Community Space Wiki
Advertisement

Về cuộc thi "Mùa hè sáng tạo" 2012[]

Tác giả: Hoàng Minh Thắng
Địa chỉ gốc myguildingstar @ Github, format và đưa lên bởi cmpitg .

Để MHST thực sự là Mùa hè sáng tạo chứ không phải Mùa hè sông Tô/săn tiền/sạch túi ;> (Revision: 2, Status: COMPLETE) Ban đầu tôi định viết thành một bài dài, nhưng sau đó thấy cần thiết phải chia thành nhiều thread ngắn (các mục Thảo luận phía sau đây khi gửi lên mailing list mỗi thảo luận này sẽ là một thread) để mọi người dễ theo dõi và trao đổi thẳng thắn. Các mục thảo luận này khi được đưa ra trao đổi có thể gây tranh cãi, do đó cần thống nhất (thông qua trao đổi) trước mấy nguyên tắc:

  • không vì số đông mà bỏ ĐÚNG theo SAI, ưu tiên MỤC TIÊU hơn HIỆN TRẠNG
  • mục tiêu của MHST là mục tiêu của khoa học và giáo dục, tức là mục tiêu dài hạn.
  • cụ thể hơn nữa, mục tiêu của MHST là vì sinh viên/những người đang học CNTT và vì tương lai ngành CNTT Việt Nam
  • nguyên tắc sự thật: trung thực và công khai khi cung cấp các thông tin trong tranh luận, cũng như trong việc công bố quá trình cộng tác của người dự thi, doanh nghiệp, và chuyên gia.

Đánh giá thực trạng Mùa hè sáng tạo các năm trước[]

(Phần thực trạng này mới chỉ dừng lại ở quan sát của cá nhân tôi, nó chưa nêu được con số cụ thể. Tôi cũng chưa tham gia tổ chức cuộc thi trong các lần trước nên ý kiến có thể chủ quan, phiến diện. Vì vậy đề nghị các anh/chị vote và nêu đánh giá của bản thân mình để đảm bảo tính chính xác của bức tranh tổng thể.

Tôi biết thực trạng không "đen một màu" như đánh giá sau đây. Tuy nhiên, vì chúng ta chưa nêu thành chính sách cụ thể nên cuộc thi có thể rơi vào các trạng thái xấu này.)

Ngoại trừ những điểm tốt mà mọi cuộc thi ở Việt Nam thường đạt được, thực trạng trong hai lần thi trước là cực kì đáng báo động. Thang cho điểm của mọi năm là không đủ rõ ràng, người được giải của các cuộc thi cũng không có gì nổi bật. Kết quả là một tâm lí không tốt trong nội bộ những người tổ chức, không tin tưởng về khả năng đánh giá của cuộc thi. Hiện tại, ngoài phần thưởng, những người được giải cũng không có chút uy tín, tiếng tăm nào. MHST không thể để tái diễn như trước. 2 năm cho việc "rút kinh nghiệm" là quá đủ.

Cải cách từ bây giờ, hay để đến bao giờ?

Còn nhớ hồi Trung Quốc mới gia nhập WTO, nhiều doanh nhân TQ nghe tin đã khóc, không phải vì mừng mà vì lo sợ. Sự trải đời của họ trên thương trường cho họ biết là năng lực của các doanh nghiệp TQ lúc đó quá hạn chế, tham gia vào môi trường cạnh tranh của WTO giống như một con đường chết. Tuy vậy, sau vài năm, chính "chỗ chết" đã là động lực để khối doanh nghiệp TQ đổi mới, và kết quả là họ đã thoát khỏi sự trì trệ trong quá khứ.

Cách thức đạt được mục tiêu[]

  • Cân đối lợi ích của các bên tham gia trong phạm vi đảm bảo được mục tiêu đã nêu
  • xác định công việc cụ thể hàng đầu là xây dựng thương hiệu cho cuộc thi và cho các bên tham gia (người dự thi, chuyên gia và khối doanh nghiệp)
  • đánh giá dài hơi: thang điểm mới sau khi được thống nhất phải đảm bảo được thực hiện đúng. Có thể không có giải nhất để đảm bảo thương hiệu của cuộc thi. -> cần thiết có thể thay đổi bộ nhận diện thương hiệu (slogan và logo) của cuộc thi để thể hiện thái độ mới thực sự nghiêm túc
  • MHST 2012 có thể rất tệ, MHST 2013 có thể chưa đến đâu, nhưng cuối cùng nhất định MỘT CUỘC THI NGHIÊM TÚC CUỐI CÓ NGƯỜI THAM GIA NGHIÊM TÚC.
  • lợi ích của các bên: các bên CHỦ ĐỘNG TRAO ĐỔI NGUYỆN VỌNG, tránh mạnh ai nấy làm không thông qua thống nhất trước.

Các tiêu chí của cuộc thi MHST 2012 nên thế nào?[]

Cuộc thi viết cho cậu bé CNTT Việt Nam, không phải bác già US. Vậy một cuộc thi cho người học thì khác gì một cuộc thi cho người làm việc? Đánh giá chất lượng ở trường lớp thì cái nào là phù hợp: vở sạch chữ đẹp, viết luận (essay) hay trao giải Nobel?

Theo tôi trong 1-2 năm đầu chúng ta nên ưu tiên cao cho các yếu tố kĩ năng (vì có muốn người dự thi viết được phần mềm có chất lượng ngay lúc này cũng khó). Chẳng hạn để phần điểm kĩ năng tới 80% tổng số điểm. Các năm sau tuỳ tình hình mà hạ xuống và nâng phần điểm của giải thuật - giải pháp, tính sáng tạo lên.

Về các kĩ năng, mấy ngày tới tôi sẽ viết bài về tất cả các kĩ năng cần có trong thang điểm, bao gồm:

  • Convention nói chung
  • Quản lí phiên bản
  • Test driven development
  • Functional programming style
  • Tổ chức phối hợp với cộng đồng

Ngoài ra, khi đã có danh sách dự thi thì sẽ công bố luôn chuẩn convention cho từng ngôn ngữ lập trình có người đăng kí sử dụng.

Cần nhấn mạnh lại vào tính "thượng tôn pháp luật" ở đây. Khi một đứa trẻ nhận được phần thưởng mà nó không xứng đáng có nghĩa là ta đang làm hư nó.

Thảo luận: Mục tiêu hay hiện trạng?[]

Queue and Time

Queue and time

Chúng ta thực sự hoảng loạn với ý nghĩ "chúng ta lạc hậu mất rồi". Giống như một người bị ám ảnh rằng mình nghèo sẽ không có tâm lí tiết kiệm và đầu tư, cộng hết các chi phí "nhỏ" lại thì được một khoản lớn mà nếu có đầu tư sẽ giảm được khá nhiều.

Khi chúng ta quá nhấn mạnh vào yếu kém, ta có xu hướng nôn nóng "phải làm được ngay", sau đó vì mục tiêu không phù hợp với năng lực, mọi thứ vỡ tung, kết quả là công việc chẳng đi đến đâu, lãng phí nguồn lực.

Tình trạng của MHST cũng tương tự: chúng ta cố gắng kêu gọi tài trợ trước khi cuộc thi diễn ra, rồi tìm cách tiêu cho hết số tiền (tất nhiên là không có tham nhũng gì ở đây cả). Vì không xây dựng thương hiệu MHST đủ quyết liệt, tiền càng về sau càng khó "kiếm" (mời tài trợ)

Luận điểm có vẻ đặt nhiều kì vọng vào tương lai, có đảm bảo không?[]

Ngành CNTT là một ngành phát triển "thần kì", ở đó sự học hỏi diễn ra nhanh hơn bất cứ ngành nào khác, đặc biệt là sau sự phổ biến của Google và Wikipedia. Thực tế đang diễn ra trên thế giới đã cho thấy điều đó. Chỉ cần biết mình muốn gì, đặt các mục tiêu dài hạn, phân bổ các mục tiêu đó theo thời gian một cách hợp lí thì nhất định sẽ có chuyển biến.

Tôi lạc quan bởi vì một cuộc thi mà các bên tham gia không thấy xứng đáng(thể hiện ở việc không đánh giá cao các đội có giải, không tâm phục khẩu phục) thì nó đã là một cuộc thi... không thể tệ hơn. Thực tế của chúng ta có thể ví là hổ lốn như nước sông Tô. Nhận biết thực tế là thế, còn việc cần làm là kiên trì thanh lọc.

Thảo luận: Cách làm này có vẻ xâm phạm lợi ích của doanh nghiệp?[]

Đúng là sẽ hạn chế "lợi ích" mà một số doanh nghiệp kì vọng có được, nhưng bên cạnh đó lại làm rõ và đảm bảo được lợi ích của các doanh nghiệp nghiêm chỉnh muốn làm lâu dài.

Nói một cách chính xác, cách làm này đánh vào những doanh nghiệp nào muốn biến MHST thành nơi triển khai chi phí thấp. Gọi là "đánh" nhưng thực ra là chỉ rõ cho họ thấy việc làm đó đơn giản là "không đáng đồng tiền bát gạo bỏ ra". Người dự thi không hứng thú, và nhất là không đủ kĩ năng, để làm những việc triển khai kém sáng tạo đó.

Nếu MHST tự thấy mình đang bán quả "lừa" (kêu gọi các bên tài trợ bằng những hứa hẹn cuộc thi sẽ bám lấy những thứ "thời thượng") thì chỉ có thể "lừa" được một vài lần. Hai năm qua, cuộc thi có thể đã thu được ít nhiều tài trợ từ đối tượng kiểu như vậy, nhưng sau chừng ấy thời gian không thu được gì, cộng thêm bối cảnh khủng hoảng có thể kéo dài, điều gì sẽ đảm bảo là các doanh nghiệp kiểu này sẽ không cắt bỏ tài trợ cho cuộc thi?

Tóm lại, dù là vì mục đích gì, các bên đang đổ tiền vào mà đều không được hài lòng. Cách làm mới mà tôi trình bày đang cố gắng thay đổi điều đó.

Thảo luận: Thế nào là "vì tương lai ngành CNTT Việt Nam"?[]

  • trước hết mọi người sẽ nghĩ ngay đến chất lượng nhân lực. Tuy nhiên khi bắt gặp thực trạng yếu kém hiện tại thì đại bộ phận lúng túng và bị dừng tại đó.
  • môi trường làm việc cho đội ngũ nhân lực đó -> động lực cho người học rèn luyện bản thân. Đảm bảo những người ... có thể duy trì trạng thái tích cực.
  • sức sống của doanh nghiệp
    • tầm nhìn dài hạn (cả về lựa chọn công nghệ, chiến lược thị trường và quản trị)
    • thương hiệu (lực hút tự nhiên đối với nhân sự và thị trường)
    • đội ngũ nhân tài -> thay vì các đơn thuần tìm kiếm lợi nhuận được đến đâu hay đến đấy.
  • sự ra đời/biến mất của doanh nghiệp là do thị trường quyết định, MHST không muốn và không thể thay vai trò đó của thị trường. Tuy nhiên, thông qua việc đặt những yêu cầu mang tính dài hạn và bền vững, có thể gián tiếp qua đó tác động điều chỉnh trước khi kết cục xấu xảy ra.

Thảo luận thêm: Nhân tài là gì?[]

Hiện tại "nhân tài" là từ được nhiều doanh nghiệp nhấn mạnh trong tuyên bố chính sách của mình. Vậy khối doanh nghiệp hình dung ra sao về nhân tài? Tiền có phải là thước đo và cách thu hút duy nhất (và đúng đắn???) không? Hiện có 2 quan niệm chủ yếu về "nhân tài"

  • kiểu nerd: (phải đau lòng mà gọi kiểu này là kiểu FPT) đây là mẫu kẻ có tư chất hơn người, lấy tiền làm thước đo giá trị, cái tôi quá lớn và cách cư xử cũng hơi "dị dạng". Đặc điểm tâm lí của mẫu này là không ngừng đòi hỏi. Đồng thời, vì cái tôi quá lớn, họ có xu hướng sớm ngừng học hỏi, sức bền kém. Với vai trò coder thì mã họ có xu hướng viết "huyền bí", vì họ muốn thể hiện bản thân hơn là vì công việc (và logic cũng có vấn đề?). Điều này làm cho họ khó cộng tác và gặp hạn chế trong các dự án lớn: khi cần đọc lại đoạn mã đã viết thì... chính họ cũng không hiểu :> Vì họ đặt mục tiêu (tiền) lên trên tư cách, họ có thể nhảy việc khi một dự án đang trong giai đoạn gấp rút, hoặc bất ngờ ra đi với bí mật thương mại của công ty v.v... Mẫu người này ở lại lâu cũng chưa hẳn là tốt. Họ liên tục đòi tăng lương (không biết điều) và có xu hướng bè cánh.
-> Tóm lại, "chi phí ẩn" của nhóm này là lớn, và các nhà "giả kim thuật" chưa chắc đã biết nhiều về hoá học. Các "nhân tài" này không nghĩ mình là người ("nhân") mà nghĩ mình là "quan" :">
  • kiểu hackers : cũng là những kẻ hơn người, nhưng họ có đam mê riêng và hệ giá trị tự thân. Mẫu người này không ngừng phát triển bản thân, không ngại khó khăn trong công việc, khi lựa chọn công nghệ họ có những quyết định khách quan. Họ sòng phẳng, nhận đúng những gì mình cảm thấy xứng đáng. Nếu các bác "có ơn" đối với họ trong khi chỗ các bác không đủ cho họ "vẫy vùng" thì họ sẽ sẵn sàng ở thêm 1-2 năm, và khi ra đi còn chào hỏi tử tế ;> Đó là lí do vì sao FOSS là mảnh đất tốt để chiêu mộ nhân tài thực sự.

Còn một yếu tố phụ nữa về việc thu hút nhân tài bằng hứa hẹn tài chính: các bác càng hô hào thế thì chỉ tổ phải lo đóng thuế thu nhập cao. Cứ ngấm ngầm "tự sướng" với nhau (nhiều cách mà) có phải hay hơn không?

Chừng nào chúng ta còn quan niệm về nhân tài một cách không rõ ràng, chừng đó chúng ta vẫn còn xa mới thoát khỏi kiếp nhập khẩu công nghệ.

Tất nhiên, trên thực tế, sẽ có nhiều nhân tài là trạng thái xen giữa của mỗi kiểu trên với kiểu người thông thường (nhưng không có sự xen giữa của cả 2). Nhiệm vụ của chúng ta là định hướng cho các "nhân sắp tài".

Thời điểm tốt nhất để trồng cây là 20 năm trước. Thời điểm tốt thứ nhì là ngay bây giờ.

Thảo luận: Tầm nhìn có ý nghĩa thế nào với các bên?[]

Từ "tầm nhìn" có hơn một lần được nhắc đến. Vậy tầm nhìn có ý nghĩa thế nào với các bên? "Tầm nhìn" là một từ được tương đối nhiều người ưa thích và sử dụng. Tôi đề cập đến nó không vì thói quen chung chung theo cách liệt kê cho có.

  • Đối với người dự thi: có tầm nhìn trước hết là rèn luyện khả năng chọn học gì? học thế nào là đủ cơ bản và học sâu những gì.Chính các bạn sẽ quyết định tương lai mình sẽ làm gì và làm ở trình độ nào (hoặc khởi nghiệp?)
  • Các chuyên gia. Theo tôi, chuyên gia phải là những người có chuyên môn tốt, đã qua thực tiễn công việc và có trách nhiệm với CNTT nước nhà. Chính thông tin trung thực về đóng góp của chuyên gia sẽ thu hút thêm các chuyên gia chưa tham dự tổ chức cuộc thi, đồng thời các "chuyên gia lởm" sẽ dần phải thoái lui.
  • Đối với doanh nghiệp: thật khó cho tôi để có thể nói thay cho các doanh nghiệp. Xin chỉ có mấy ý thế này:
    • Chúng ta phải thừa nhận thực tế môi trường kinh doanh luôn luôn thay đổi. Những nhân tố mới là không thể kể hết.
      • Liệu có mãi chăm chăm cạnh tranh về giá như hiện nay (bằng cách trả lương rẻ) khi mà thu nhập quốc dân tăng trong tương lai? Rồi một loạt các nước hậu-độc tài sẽ còn nhảy vào thị trường thế giới
      • Các doanh nghiệp mới (trong nước) với công nghệ vượt trội?
      • Việt Nam đang hội nhập sâu sắc hơn, các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ còn nhảy vào thị trường hơn 86 triệu dân này. Dù 100% trong số đó chỉ là rửa tiền và kém hiệu quả đi chăng nữa, thì tiền vẫn đè chết người.
    • "Dĩ bất biến ứng vạn biến" duy nhất chính là chăm lo cho thương hiệu trong con mắt của nhân tài

Tóm tắt[]

Tóm lại qua hai mô hình kịch bản.

kịch bản 1: (kịch bản cũ)

  • Nhận định: người học CNTT kém, không say mê. Hệ thống giáo dục lạc hậu, tồi tệ
  • Giải pháp: cho người dự thi thi những cái "của thực tế", những bài toán doanh nghiệp đang gặp phải
  • Diễn biến: người dự thi không đủ hứng thú và trình độ thực hiện.
  • Kết quả: giải được trao cho cách ngẫu hứng (kết quả của thang điểm ngẫu hứng). Các nhà tài trợ quay lưng, người tham gia thi không có chất lượng.

Kịch bản 2: (kịch bản mới)

  • Nhận định: người học CNTT không được chỉ cho đâu là đúng, đâu là sai. Hệ thống giáo dục lạc hậu, tồi tệ
  • Giải pháp: ưu tiên tiêu chí "bài bản" trong một (vài) năm đầu, sau đó nâng dần lên về độ thực tế
  • Diễn biến: người dự thi không bị gò bó bởi các bài toán nhàm chán nên có tinh thần làm việc cao. Tiêu chí của cuộc thi buộc người dự thi phải có được các kĩ năng lập trình (dù không nhiều nhưng là điều kiện để trở thành chuyên nghiệp)
  • Kết quả: có thể giải nhất bị để trống trong một hai năm nhưng thương hiệu cuộc thi được đảm bảo. Về sau trở đi người thi lấy đó nhìn vào mà rèn mình và có những sản phẩm tốt hơn nữa. (Xa hơn tí nữa,) các doanh nghiệp "có CNTT" (không thuần CNTT) cùng tham gia tài trợ khi họ thấy cần thiết quảng bá hình ảnh mình như một đơn vị có chiến lược nhân sự về CNTT.
Advertisement